Vì sao APEC chỉ có 21 thành viên?
APEC là gì?
APEC là tên viết tắt tiếng Anh của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (Asia - Pacific Economic Cooperation - APEC), là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở châu Á - Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng chung trong khu vực.
Ý tưởng thành lập diễn đàn lần đầu tiên được Thủ tướng Úc Robert Hawke đề cập trong bài phát biểu tại buổi ăn trưa làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc ngày 31-01-1989 ở Seoul, Hàn Quốc. Ngày 6 và 7-11-1989, các bộ trưởng 12 nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã họp lần đầu tiên tại Canberra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Úc Gareth Evans, quyết định thành lập APEC.
Mục tiêu hoạt động của APEC?
APEC hướng tới xây dựng cộng đồng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năng động, gắn kết, tự cường thông qua thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa môi trường kinh doanh và hợp tác kinh tế - kỹ thuật. APEC giúp quá trình lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư và giao lưu, hợp tác giữa các doanh nghiệp thuộc các nền kinh tế thành viên dễ dàng hơn.
Nguyên tắc hoạt động chính của Diễn đàn là gì?
APEC hoạt động trên ba nguyên tắc chính là đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc. APEC không có hiến chương hay điều lệ hoạt động.
Các nền kinh tế thành viên tham gia đối thoại mở, trao đổi chính sách để tiến tới những thỏa thuận chung. Các thỏa thuận được triển khai thông qua các Kế hoạch hành động tập thể (Collective Action Plan - CAP) của APEC và Kế hoạch hành động của từng nền kinh tế thành viên (Individual Action Plan - IAP) do mỗi nền kinh tế tự đề xuất trên cơ sở trình độ và điều kiện phát triển.
Để thúc đẩy triển khai các thỏa thuận, APEC định kỳ rà soát các CAP và IAP. Đồng thời, APEC thực hiện các dự án nâng cao năng lực hỗ trợ các thành viên đang phát triển thực hiện cam kết.
APEC có bao nhiêu thành viên? Vì sao thành viên APEC được gọi là "nền kinh tế thành viên" thay vì "nước thành viên"?
APEC ra đời với 12 nền kinh tế thành viên. Qua 4 lần mở rộng vào các năm 1991,1993, 1994 và 1998, APEC hiện có 21 nền kinh tế thành viên, với 2,8 tỉ dân, 44.000 tỉ USD tổng GDP, 18,5 nghìn tỉ USD thương mại, chiếm khoảng 39% dân số, 57% GDP và 47% thương mại toàn cầu vào năm 2014.
- Thành viên sáng lập tháng 11-1989: Úc, Brunei, Canada, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ;
- Thành viên gia nhập tháng 11-1991: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Hong Kong - Trung Quốc, Đài Bắc - Trung Quốc;
- Thành viên gia nhập tháng 11-1993: Mexico, Papua New Guinea;
- Thành viên gia nhập tháng 11-1994: Chile;
- Thành viên gia nhập tháng 11-1998: Peru, Nga, Việt Nam.
Hợp tác APEC chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực kinh tế và thương mại. Các thành viên APEC tương tác với nhau với tư cách là những thực thể kinh tế. Do đó, hợp tác trong khuôn khổ APEC là hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên, thay vì giữa các quốc gia có chủ quyền.
Vì sao APEC quyết định tạm ngừng kết nạp thành viên mới từ năm 1998?
Tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 5 tháng 11-1997 tại Vancouver (Canada), các nền kinh tế thành viên quyết định sẽ kết nạp thêm 3 thành viên vào năm 1998, đồng thời tạm ngừng việc kết nạp thành viên mới khác trong vòng 10 năm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên tập trung thực hiện Mục tiêu Bogor về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư.
Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 15 năm 2007 tại Sydney (Úc) tiếp tục quyết định tạm ngừng mở rộng thành viên cho đến năm 2010. Đến nay, quyết định tạm ngừng kết nạp thành viên mới tiếp tục có hiệu lực, dù có nhiều nền kinh tế bày tỏ nguyện vọng muốn trở thành thành viên của APEC, trong đó có Ấn Độ, Colombia, Brazil, Lào, Campuchia, Mông Cổ, Ecuador...