Hội thảo Apec về an ninh năng lượng tại Việt Nam bàn về điều gì
Trong hai ngày 7 – 8.10, “Hội thảo APEC về các yêu cầu liên quan đến hàm lượng nội địa hóa trong lĩnh vực năng lượng” chính thức được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 60 đại biểu gồm các nhà hoạch định chính sách, giới học giả và đại diện các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại buổi khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định, an ninh năng lượng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng của các quốc gia ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, nguồn cung năng lượng ngày càng hạn chế và cạn kiệt. Chính vì vậy, việc đảm bảo ổn định về “an ninh năng lượng” là một trong những ưu tiên và mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng.
Hiện nay không ít quốc gia sử dụng yêu cầu về hàm lượng nội địa hóa (LCRs) để khuyến khích sản xuất trong nước. Trong lĩnh vực năng lượng, yêu cầu về hàm lượng nội địa hóa áp dụng đối với một số bộ phận hoặc thiết bị phục vụ việc sản xuất hoặc sản sinh nguồn năng lượng (năng lượng điện gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, năng lượng nước…).
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tại hội thảo cho rằng, việc áp dụng những yêu cầu về hàm lượng nội địa hóa một cách thái quá với mục tiêu bảo hộ sản xuất trong nước, đi ngược lại với các cam kết quốc tế sẽ ảnh hưởng một cách tiêu cực đối với tiến trình tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực. Điều này cũng cản trở sự phát triển của chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs) và gián tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, đại diện doanh nghiệp, diễn giả và đại biểu quốc tế và Việt Nam tham dự, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm quý báu và các khuyến nghị hữu ích nhằm thực hiện tốt chỉ đạo của các Bộ trưởng APEC đối với xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi cho lĩnh vực năng lượng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Khả năng nội địa hóa nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận có thể đạt 30 - 40%
(Nguồn: VTV)