Đại sứ Nguyễn Hữu Tráng làm việc với tạp chí Quê Hương Online

PV: Thời hạn 5 năm cho việc đăng ký giữ quốc tịch đã sắp hết. Ông có thể cho biết về tình hình thực hiện thủ tục này thời gian qua?

Đại sứ Nguyễn Hữu Tráng: Đăng ký giữ quốc tịch là chế định mới, quan trọng của Luật Quốc tịch 2008, với mong muốn làm rõ tình trạng quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về quốc tịch và bảo hộ công dân. Do vậy, Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự) và các cơ quan chức năng đã rất tích cực triển khai thủ tục này.

Cục Lãnh sự đã phổ biến và hướng dẫn thủ tục này cho các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài. Thủ tục được đăng tải trên cổng thông tin điện tử về công tác lãnh sự tại địa chỉ www.lanhsuvietnam.gov.vn và trang tin điện tử của các CQĐD. Các CQĐD cũng niêm yết thủ tục này tại phòng tiếp dân, tuyên truyền, phổ biến tại các cuộc gặp mặt, tiếp xúc với bà con kiều bào và thông qua các hội đoàn người Việt. Thời gian đầu, bà con rất quan tâm hỏi về thủ tục này. Tuy nhiên, cho tới nay mới có hơn 4.000 người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký giữ quốc tịch, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài.

PV: Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng chỉ rất ít người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký giữ quốc tịch, phải chăng do thủ tục quá phức tạp?

Đại sứ Nguyễn Hữu Tráng: Trước hết, cần khẳng định thủ tục đăng ký giữ quốc tịch hết sức đơn giản. Người đề nghị chỉ cần nộp Tờ khai, giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam (nếu có) là được cấp Giấy xác nhận đã đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Trường hợp không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam vẫn được cấp giấy xác nhận này nhưng đương sự cần khai lý lịch làm cơ sở cho các cơ quan chức năng trong nước tiến hành xác minh quốc tịch và ghi vào sổ đăng ký.

Tuy nhiên, số lượng người đăng ký giữ quốc tịch vẫn rất thấp có thể do thủ tục này không mang lại lợi ích thiết thực cho người đăng ký. Giấy xác nhận đã đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam chỉ có giá trị chứng minh người này đã thực hiện thủ tục đăng ký nhưng không khẳng định về quốc tịch Việt Nam của họ. Do vậy, giấy này không phải là cơ sở cho việc cấp phát hộ chiếu, giấy thông hành và các giấy tờ khác. Những người thực sự mong muốn giữ liên hệ với đất nước sẽ không lựa chọn thủ tục này mà đề nghị cấp hộ chiếu hoặc giấy miễn thị thực để trở về Việt Nam được thuận lợi.

Ngoài ra, có một số nhóm người Việt Nam định cư ở nước ngoài không muốn thực hiện thủ tục này có thể vì lo ngại ảnh hưởng tới quy chế cư trú của họ ở nước ngoài. Ở đây, có thể kể đến những người đang được nước ngoài cho tỵ nạn hoặc đang cố gắng hợp thức hóa việc cư trú…

Chúng tôi cho rằng những bất cập nói trên đã tác động tới việc đăng ký giữ quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài chứ không phải do vấn đề thủ tục hay do thông tin không đầy đủ. Nếu so sánh với thủ tục cấp giấy miễn thị thực cho người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân của họ thì thủ tục đăng ký giữ quốc tịch được tuyên truyền với mật độ và thời gian lớn hơn rất nhiều nhưng kết quả chưa đạt được như mong muốn, trong khi việc cấp giấy Miễn thị thực rất được bà con hưởng ứng và hoan nghênh.

Các cơ quan chức năng đang trao đổi để tìm giải pháp cho vấn đề này. Do thời gian không còn nhiều, việc kiến nghị và đưa ra quyết định cần rất khẩn trương.

PV: Ông có lời khuyên gì gửi tới người Việt Nam định cư ở nước ngoài liên quan đến thủ tục đăng ký giữ quốc tịch.

Đại sứ Nguyễn Hữu Tráng: Trong khi các cơ quan chức năng đang tích cực nghiên cứu, đưa ra giải pháp để tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đăng ký giữ quốc tịch, bà con ta ở nước ngoài cần sớm liên hệ với các CQĐD để được thông tin chi tiết và hướng dẫn hoàn tất thủ tục này để tránh mất quốc tịch Việt Nam sau ngày 01/07/2014.

Cục Lãnh sự và các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục thông tin cập nhật cho bà con liên quan đến thủ tục đăng ký giữ quốc tịch trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Các bài viết khác

BACK TO TOP