* Cập nhật ngày 14/5/2012:
Theo thông báo của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Ekaterinburg (Liên bang Nga), do các cơ quan chức năng địa phương nghỉ Lễ chiến thắng phát xít Đức 4 ngày, nên đến ngày 12/5/2012, Tổng Lãnh sự quán đã tích cực can thiệp, giúp đỡ và đã đưa được 11 lao động tại Công ty giầy da L.E.O. Pard về nước an toàn ngày 13/5/2012.
Số lao động còn lại được bố trí ở tạm thời trong một căn hộ và được cung cấp đủ lương thực, thực phẩm. Số lao động còn lại, ông Nguyễn Văn Dũng đã cam kết với Tổng Lãnh sự quan hoàn tất các thủ tục để họ xuất cảnh về Việt Nam ngày 26/5/2012.
* Cập nhật ngày 08/5/2012:
Liên quan đến vụ việc 40 lao động Việt Nam đang làm việc tại Công ty Giày da L.E.O Pard tại Ekaterinburg (Liên bang Nga), theo đề nghị của Cục Lãnh sự và qua báo cáo của Cơ quan đại diện Việt Nam tại Liên bang Nga được biết:
Ngày 03/05/2012, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Ekaterinburg đã cử đại diện đến gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với các lao động Việt Nam xác minh và tìm hiểu thêm về vụ việc. Qua kiểm tra sơ bộ các giấy tờ đăng ký của nhà máy và các loại giấy tờ của lao động Việt Nam, việc người lao động Việt Nam làm việc tại Công ty L.E.O Pard hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật Nga.
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam cho biết thêm những lao động này đã sang Nga làm việc không thông qua sự tuyển dụng của công ty phái cử có giấy phép hoạt động hợp pháp tại Việt Nam mà qua người môi giới lao động Nguyễn Văn Dũng. Việc một số lao động Việt Nam đình công, đòi về nước hoàn toàn xuất phát từ việc một số điều khoản trong hợp đồng tuyển dụng (chế độ làm việc, đãi ngộ…) do người lao động và người môi giới lao động tự thỏa thuận ở Việt Nam đã không đúng so với thực tế điều kiện làm việc tại Nga. Người môi giới lao động cũng không thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ người lao động nên đã không kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để nhanh chóng phối hợp với phía Công ty L.E.O Pard tìm hướng giải quyết. Bên cạnh đó, việc người lao động Việt Nam không được phổ biến đầy đủ các thông tin cần thiết về điều kiện làm việc cũng như bất đồng về ngôn ngữ đã gây khó khăn trong việc giao dịch với Ban lãnh đạo Công ty.
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam đã yêu cầu ông Nguyễn Văn Dũng giải trình về vụ việc, làm rõ các điều khoản trong hợp đồng đã cam kết trước khi đưa người lao động sang Nga làm việc đồng thời phải có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi chính đáng của những người lao động Việt Nam đang làm việc tại Công ty L.E.O Pard. Tổng Lãnh sự quán cũng đã làm việc chính thức với phía Công ty L.E.O Pard và toàn thể lao động Việt Nam đang làm việc tại đây để yêu cầu phía Công ty L.E.O Pard làm rõ các điều khoản về lương, chế độ lao động, y tế, ăn ở… cũng như thái độ phân biệt đối xử giữa người lao động Việt Nam với người lao động của các nước khác. Phía Công ty bày tỏ thiện chí giải quyết các nguyện vọng chính đáng của người lao động Việt Nam, mong muốn lao động Việt Nam tiếp tục ở lại làm việc tại Công ty. Trước mắt, phía Công ty sẽ cùng lao động Việt Nam soạn thảo hợp đồng lao động mới chi tiết hơn đồng thời cam kết đảm bảo lợi ích chính đáng của người lao động Việt Nam. Tổng Lãnh sự quán Việt Nam cũng đã đề nghị Hội người Việt Nam tại Ekaterinburg phối hợp và trợ giúp người lao động Việt Nam trong giao dịch với phía Công ty. Với thực tế sự việc, qua làm việc trực tiếp của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam với Ban quản lý nhà máy, người môi giới và các lao động Việt Nam cho thấy thông tin do một số bài báo chưa đầy đủ, chưa đúng thực tế, khi phản ánh các lao động Việt Nam bị đối xử tệ, quyền lợi bị xâm phạm.
Trong thời gian tới, Cục Lãnh sự đề nghị Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Ekaterinburg tiếp tục theo dõi sát vụ việc, đồng thời đang khẩn trương làm việc cụ thể với các cơ quan chức năng sở tại, và các bên liên quan để triển khai các biện pháp cần thiết hỗ trợ và đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của người lao động Việt Nam./.
(Trích nguồn: http://lanhsuvietnam.gov.vn)